Những điều cần lưu ý khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19
Nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả cao nhất, những điều cần lưu ý khi đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sau đây:
Những lợi ích to lớn của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là không thể chối cãi. Tiêm vắc-xin có thể phòng ngừa mắc bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tỉ lệ tử vong và giảm tỉ lệ lây lan dịch bệnh; vì vậy tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống dịch COVID-19. Người được tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ bản thân và gia đình mà còn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, hướng tới đạt được miễn dịch cộng đồng để chiến thắng được dịch bệnh. Miễn dịch cộng đồng đạt được nhờ vào kháng thể được tạo ra từ những người tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và những người đã nhiễm vi-rút SAR-COV-2.Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiêm vắc-xin sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh hơn nhiễm vi-rút SAR-COV-2 tự nhiên, và những người tiêm vắc-xin được chế tạo từ công nghệ mRNA(như vắc xin do AstraZeneca mà chúng ta đang sử dụng)có khả năng bảo vệ, đối với các biến chủng mới đang lưu hành trên thế giới.
Khi đi tiêm chủng, mỗi người nên thực hiện đúng quy trình được hướng dẫn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Đầu tiên, Khám sàng lọc trước tiêm chủng là bước quan trọng nhằm phát hiện và phân loại đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Mỗi người lưu ý cần phải chủ động cung cấp cho bác sĩ khám sàng lọc đầy đủ thông tin của mình như:
- Tình trạng sức khoẻ hiện tại như: sốt, ho, khó thở, đau họng, mất khứu giác/vị giác, các bệnh cấp tính đang mắc.
- Có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân (thuốc, vắc-xin, thức ăn,…) nào hay không.
- Tiền sử mắc phải các bệnh mạn tính (Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư,các bệnh tim mạch mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn (COPD), bệnh thần kinh mạn tính,…) , rối loạn đông máu/cầm máu (chảy máu khó cầm,…).
- Sử dụng các thuốc (Thuốc chống đông, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid,…), liệu trình điều trị (xạ trị, hoá trị,…) gần đây.
- Có tiêm/uống vắc-xin trong vòng 14 ngày qua hay không.
- Đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, cung cấp về việc đang mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Đã từng nhiễm vi-rút SARS-COV-2 hoặc mắc COVID-19 hay không.
- Nếu là tiêm lần 2, cung cấp thông tin loại vắc-xin và ngày tiêm mũi 1 cũng như các phản ứng gặp phải sau tiêm.
Các bác sĩ thực hiện khám sàng lọc, tư vấn cho mỗi người để chỉ định đối tượng đến tiêm vắc-xin như sau: (1) Được tiêm vắc-xin; (2)Chống chỉ định tiêm vắc-xin, hoãn tiêm vắc-xin (có thể tiêm ngày khác); (3) Nên thực hiện tiêm vắc xin tại bệnh viện.
Mỗi ngườiđến tiêm chủng phải luôn tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, thực hiện thông điệp 5K trong quá trình đi tiêm và sau khi tiêm vì tỉ lệ tiêm vắc-xin trong cộng đồng còn thấp. Ngày tiêm nên ăn uống đầy đủ, không nên uống cà phê hay các loại nước tăng lực nhiều, mặc áo ngắn tay để dễ tiêm và quần áo rộng rãi để thuận tiện khi cần cấp cứu, lưu ý ghi nhớ/hỏi bác sĩ tư vấn về xử trí các dấu hiệu sau tiêm.