Đột phá chuyển đổi số và mô hình “lớp học đảo ngược” trong giảng dạy
Mô hình “lớp học đảo ngược”
“Lớp học đảo ngược” có thể được hiểu một cách phổ biến là “Ghi lại các hoạt động trên lớp để truyền tải một khoá học. Người học xem video trước khi đến lớp và sử dụng thời gian trên lớp để giải quyết các khái niệm phức tạp, trả lời các câu hỏi và người học được khuyến khích học tập tích cực”.
Mô tả đơn giản về lớp học đảo ngược là bài giảng của giáo viên được giao ở nhà và bài tập về nhà của người học được thực hiện trên lớp. Trong mô hình lớp học đảo ngược, nội dung bài giảng được trình bày trong các video trực tuyến ngoài lớp học. Giờ học tập trung sau đó trong lớp học được dùng vào các hoạt động nâng cao. Người hướng dẫn sử dụng công nghệ, nền tảng kỹ thuật số để mang đến bài giảng cho người học bên ngoài lớp học. Còn người học sẽ tận dụng các lợi ích của công nghệ thông tin để tìm hiểu các nội dung sẽ học trước khi bắt đầu khoá học trên lớp.
So với tổ chức mô hình lớp học truyền thống, lớp học đảo ngược có một số điểm tích cực của nó. Đối với mô hình này, người học xác định tiến độ học tập rõ ràng, việc giảng dạy bài tập về nhà trong lớp học cho phép giáo viên là chuyên gia chuẩn đoán. Nội dung bài học cũng có thể tuỳ chỉnh phù hợp với người học. Thời gian trong lớp học hiệu quả và hấp dẫn hơn, phù hợp với xu hướng sư phạm hiện nay và công nghệ được xem như là sự phù hợp với xu hướng giảng dạy hiện đại.
“Một trong các điểm tích cực ưu việt nêu trên của mô hình lớp học đảo ngược là công nghệ được sử dụng, đặc biệt là video.
Không thể phủ nhận, đây là cách hướng dẫn của giảng viên về nội dung học tập mà sinh viên có thể dễ dàng tiếp thu bởi vì video sẽ thu hút người học bằng hình ảnh và âm thanh. Đồng thời, sinh viên có thể xem video lặp đi lặp lại nếu họ gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ trong trường hợp này rất có lợi cho việc triển khai lớp học, giáo viên có thể quản lý video và giao tài liệu học tập cho sinh viên thuận tiện hơn thông qua các nền tảng giảng dạy hoặc các phương pháp giảng dạy khác. Các bài giảng lý thuyết được “số hoá” thành video, đề cương môn học, tài liệu tham khảo, các câu hỏi, hướng dẫn học tập... được gửi trước cho sinh viên qua hệ thống internet”, Thạc sỹ Thảo chia sẻ.
Thạc sỹ Phạm Thị Phương Thảo Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, để có thể triển khai lớp học đảo ngược một cách hiệu quả thì đỏi hỏi phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện.
“Mô hình lớp học đảo ngược khác với mô hình lớp học truyền thống, toàn bộ nội dung lý thuyết cơ bản được sinh viên học tập trước ở nhà. Vì vậy, việc xây dựng các video bài giảng phải thật sự tốt, đảm bảo tính dễ hiểu, dễ tiếp cận, được cập nhập thường xuyên các nội dung mới về mặt lý luận cũng như quy định pháp luật thực tiễn.
Xây dựng các câu hỏi định hướng, bài tập nghiên cứu cho sinh viên phải sát với từng bài học và thực tế để sinh viên có thể vận dụng kiến thức lý thuyết, giải đáp được các bài tập trong quá trình tự nghiên cứu trước bài giảng.
Đồng thời, cần sự nỗ lực rất lớn và thay đổi tư duy của giảng viên. Giáo viên cần phải chủ động, tích cực hơn so với mô hình giảng dạy truyền thống. Khi thực hiện mô hình này, giáo viên không chỉ chuẩn bị tài liệu với dung lượng lớn mà còn phải thường xuyên trao đổi thông tin với người học, người học, người dạy không còn bó hẹp trong phạm vi một lớp học nữa mà có thể học tập bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào với mô hình lớp học đảo ngược”, Thạc sỹ Thảo cho hay.